1900 9421 cskh@humano.vn

Dấu vân tay và não bộ có liên quan gì với nhau?

Bạn hãy hình dung, đôi bàn tay của chúng ta như mô phỏng bộ não. Khi bạn cùng nắm hai bàn tay lại, gần như sẽ rất giống với hai bán cầu não: bán cầu não trái và bán cầu não phải.

Quay lại dấu mốc năm 1981, Roger Sperry đến với giải Nobel Y học bằng nghiên cứu về lý thuyết toàn não. Trước đó, người ta chưa biết gì nhiều về não trái và não phải.

Với một người bình thường, hai bán cầu não tách biệt và được kết nối với nhau thông qua một búi sợi thần kinh gọi là thể chai (xem hình minh họa). Tuy nhiên, một số bệnh nhân động kinh nặng phải thực hiện phẫu thuật cắt đứt cây cầu nối này nhằm ngăn chặn sự lây lan của cơn động kinh.

Trong suốt thập niên 60, Roger Sperry cùng học trò là Michael Gazzaniga đã tiến hành nghiên cứu trên những bệnh nhân này và khám phá rất nhiều điều thú vị:

Trong một thử nghiệm, mắt phải được xem một bông hoa còn mắt trái xem hình một con thỏ. Khi được hỏi, người bệnh nói chỉ nhìn thấy bông hoa và khẳng định không nhìn thấy con thỏ! Tuy nhiên, khi người bệnh được yêu cầu dùng tay để chọn các hình ảnh liên quan thì tay phải chọn bông hoa còn tay trái, lạ thay, lại chỉ vào hình ảnh con thỏ!

Như vậy, não phải hoàn toàn nhìn thấy con thỏ, nhưng nó không nói ra được. Trung tâm điều khiển việc nói thuộc quyền kiểm soát của não trái.

Về chức năng ngôn ngữ: trên đại não có những vùng chuyên biệt phụ trách chức năng ngôn ngữ.

Vùng Broca thuộc thùy trán, chi phối vận động của các cơ quan tham gia vào động tác phát âm như: thanh quản, môi, lưỡi… Khi vùng này tổn thương thì sẽ bị câm nhưng vẫn có thể hiểu lời, hiểu chữ. Bệnh nhân nghe và đọc thì hiểu nhưng không thể diễn đạt bằng lời nói. Tuy nhiên, họ có thể diễn đạt thông qua chữ viết.

Vùng Wernicke nằm ở thùy thái dương, đây là một vùng rất quan trọng trong việc hình thành tiếng nói và tư duy. Vì vậy, còn được gọi là vùng hiểu ngôn ngữ, vùng hiểu biết. Vùng này không chỉ chi phối lời nói mà còn cho ta hiểu lời, hiểu chữ. Khi vùng Wernicke bị tổn thương sẽ bị câm kèm theo không hiểu lời, hiểu chữ.

Vùng lời nói phân bố không đều ở hai bán cầu. Theo thực nghiệm, 90% người thuận tay phải có vùng Broca và Wernicke phát triển rất rộng ở bên bán cầu trái.

Và cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận, não người chia làm hai nửa bán cầu đảm nhận những chức năng khác nhau. Lý thuyết toàn não đã tạo ra sự thay đổi lớn trong nhận thức của con người, thay đổi góc nhìn về sự phát triển năng lực ở mỗi người.

Bộ não và sự phát triển của các bộ phận khác trên cơ thể có mối tương quan tuyệt vời. Não phải sẽ điều khiển nửa cơ thể bên trái, ngược lại não trái sẽ điều khiển nửa cơ thể bên phải. Đó là một sự tiến hóa đỉnh cao, giúp loài người thích nghi và tồn tại tốt hơn.

Bộ não của chúng ta được chia làm hai bán cầu. Mỗi bên thực hiện các chức năng khác nhau. Và việc sử dụng bán cầu não phải hay trái nhiều hơn sẽ quyết định những kỹ năng và sở thích của chúng ta.

Trong cuộc sống, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều tình huống thể hiện sự khác biệt giữa não trái và não phải.

Ví dụ như việc đọc sách, có người thường xuyên lật mục lục ra xem trước khi đọc, có người sẽ đọc sách từ đầu đến cuối. Người thiên về bán cầu não phải sẽ tập trung hơn về những yếu tố tổng quát, nên có xu hướng hay xem mục lục trước. Còn ngược lại, nếu như thuận bán cầu não trái, họ sẽ thích những thứ chi tiết và tỉ mỉ. Như vậy, có thể nhận thấy, não phải sẽ thiên về tổng quan, còn não trái sẽ thiên về chi tiết.

Hay như, có những người học giỏi những môn khoa học tự nhiên như toán học, vật lý, sinh học…, có những người thì không tập trung, không có hứng thú học tập với những bộ môn này. Vậy theo bạn, người thích tập trung về con số, logic, các chi tiết thì sẽ là người thiên về bán cầu não nào?

Người thiên về não phải sẽ là người sáng tạo, thích màu sắc, hình ảnh, âm thanh, nghệ thuật… Còn người thiên về não trái sẽ logic, thích những thứ liên quan đến ngôn ngữ, con số, tính toán, khoa học…

Và bạn cũng sẽ thấy, người thiên về não trái thường sẽ là người dựa trên những nền tảng về phân tích, logic, lý tính để đưa ra quyết định. Còn ngược lại, khi thiên về não phải, họ sẽ quyết định dựa trên mặt cảm xúc nhiều hơn.

Não trái thường xử lý vấn đề theo lý tính, còn não phải sẽ là cảm tính.

 Người có não trái hoạt động mạnh hơn thường là những người sẽ chú ý về hiện tại nhiều hơn còn người có não phải hoạt động mạnh hơn là người sẽ chú trọng quá khứ, tương lai.

Hai bán cầu não sẽ tương ứng với hai chức năng. Thông qua việc tìm hiểu về hai bán cầu não và phát hiện ra được mình thiên về bán cầu não nào nhiều hơn sẽ giúp bạn tập trung phát triển tối ưu những tiềm năng của bán cầu đó. Chúng ta đồng thời sử dụng cả hai bán cầu não, chỉ là bên nào nhiều hơn mà thôi. Hướng đến sự cân bằng não là tốt nhất, nhưng trước tiên, hãy hiểu rõ mình để việc sử dụng não đạt hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, có một điều lưu ý với các bạn, trong quá trình hoàn thiện chức năng hai bán cầu não thì ta cần chú ý đến những ‘thời điểm vàng’ để kích hoạt tốt nhất tiềm năng não bộ.

Nền giáo dục của chúng ta đã từng thiếu sót trong suốt một quãng thời gian dài chỉ tập trung phát triển não trái, lấy thước đo những môn tự nhiên, tư duy con số để đánh giá trí tuệ của một người; chính điều đó dẫn đến sự phát triển mất cân bằng và khiến cho những người vốn có thế mạnh ở não phải bị kìm kẹp, thiếu môi trường phát triển.

Và chúng ta biết rằng, khoa học ngày nay đang rất tập trung vào việc giáo dục sớm: Giai đoạn vàng cho sự phát triển của con trẻ 0 – 6 tuổi. Đây là giai đoạn của não phải, của những thiên tài.

Do đó, nếu cha mẹ đang có con giai đoạn này, hãy tìm hiểu thêm về sự phát triển của não phải để có phương pháp hỗ trợ con tối ưu nhất. Ngay từ trong bụng mẹ, não phải đã được hình thành trước, sau đó não trái mới hình thành.

Trong ba năm đầu đời, não trái chưa bắt đầu hoạt động nhiều mà não phải đóng vai trò chủ đạo. Từ 3 – 6 tuổi, vị trí chủ đạo của não phải mới bắt đầu dần chuyển sang não trái. Vì thế, trẻ em bắt đầu đi học lớp một lúc 6 – 7 tuổi là có lý do, vì lúc này, não trái mới đóng vai trò chủ đạo.

Theo giáo sư Shichida (Nhật Bản), mọi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều có tiềm năng bộc lộ sáu khả năng bẩm sinh đặc biệt: Trực giác tuyệt vời; Trí nhớ hình ảnh; Tính toán như máy tính; Âm nhạc hoàn hảo; Lĩnh hội nhiều ngôn ngữ; Hàn gắn bằng hình ảnh, sự tưởng tượng.

Mỗi đứa trẻ từ 0 – 6 tuổi đều có những tiềm năng trên, và nếu không được kích hoạt thì có khả năng chúng sẽ biến mất khi trẻ được 6 tuổi. Đó là lý do tại sao ngày nay, chúng ta chú trọng vào giáo dục sớm.

Não trái phát triển khi trẻ tiếp xúc nhiều với các chương trình giáo dục mang tính thuộc lòng, kiểm tra theo dạng có sẵn. Cách giáo dục này khuyến khích và kích thích bán cầu não trái phát triển. Từ đó, sự sáng tạo của bán cầu não phải mai một dần. Ngược lại, khi bạn cho con sớm tiếp xúc với các môn nghệ thuật, bé sẽ tự do sáng tạo theo cảm xúc của mình. Chính lúc đó, bán cầu não phải được nâng cao thế mạnh.

Nếu bạn cảm thấy tính cách mình có khuynh hướng thiên về bán cầu não nào, hãy phát huy hết thế mạnh và đừng quên tìm hiểu vùng đất phía bên kia. Rèn luyện, khám phá những kỹ năng thiếu sót cũng là cách để chúng ta nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy lùi khó khăn.

Các bạn đọc thêm ở sách Bí Ẩn Dấu Vân Tay để có nhiều thông tin hơn nhé!

 

🦋 Linda Nga